BÀI NGHỊ LUẬN VỀ TÁC PHẨM TRUYỆN | NGHỊ LUẬN VỀ ĐOẠN TRÍCH "MỘT CƠN GIẬN" - THẠCH LAM

Ngày 07/01/2025 11:46:29, lượt xem: 652

Viết bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật trong đoạn trích sau: 

Một cơn giận

(Trích)

- Thạch Lam ¹ -

(Tóm tắt phần trước: Thanh cùng những người bạn trò chuyện về những cơn giận và hậu quả của nó. Thanh cũng kể câu chuyện làm cho anh ân hận mãi. Vì sự bực tức không rõ nguyên nhân từ trước, cộng thêm việc mặc cả không thành và những lời nói khó chịu của người phu xe, cơn giận của Thanh lên đến đỉnh điểm. Trên đường đi, gặp cảnh sát, vì muốn trả thù, Thanh đã nói những điều bất lợi cho người phu xe, khiến anh ta phải chịu nộp phạt và bị thu xe. Sau hôm đó, cơn giận của anh cũng đã hết nhưng trong lòng lại dâng lên nỗi day dứt, kéo dài đến mấy ngày sau. Chính vì thế Thanh đã đi tìm đến nhà của người kéo xe đó.)

Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Các anh thử tưởng tượng một dãy nhà lụp xụp và thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà.[…]

Người phu xe Dư ở trong ấy. Tôi cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấm vào tận trong mình. Có tiếng người đàn bà sẽ hỏi:

- Bẩm thầy muốn gì?

Khi mắt đã quen tối, tôi nhận thấy người đàn bà vừa hỏi, một bà già ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng bà này, một người đàn bà nữa ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy. Cả hai cùng ngước mắt lên nhìn tôi một cách ngạc nhiên và đầu họ chạm vào mái nhà thấp, đầy những mảng giẻ rách nát vắt trên xà.

- Bác Dư có nhà không?

- Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.

Một vẻ sợ hãi thoáng qua trên mặt đủ tỏ cho tôi biết họ không nói thật, tôi giảng giải:

- Không, cụ cứ nói thật cho tôi biết. Tôi đến để giúp bác ta chứ không có ý gì khác.

Bà cụ nhìn tôi nghĩ ngợi một lát rồi nói:

- Thế thầy đã biết việc chú nó bị bắt xe hôm nọ?

Tôi gật đầu ra hiệu cho bà cụ cứ nói.

- Hôm ấy cai nó phải đem tiền lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai để rồi trả dần số tiền đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy đâu ra mà trả. Thế là bị nó đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy ạ. Khi về đây lê đi không được nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay.

Người đàn bà ngồi trong cất tiếng ốm yếu nói theo:

- Nó còn bảo hễ không trả nó sẽ bắt lấy thẻ.

- Thế bây giờ bác ta đâu?

Bà cụ trả lời:

- Đi ngay từ hôm ấy, mà không biết đi đâu. Đã ba hôm nay chúng tôi dò mà không thấy. Chắc là sợ cai không dám về nữa, dù có về mà không có tiền cũng chết với nó. Thật cũng là cái vạ; nghe đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp thế nào mới bị bắt, chớ không cũng chẳng việc gì.

Tôi yên lặng.

Bà cụ chép miệng, chỉ người đàn bà ngồi sau:

- Tội nghiệp cho vợ con chú đây, ốm đã mấy ngày hôm nay không có thuốc. Đứa cháu không biết có qua khỏi được không.

Tôi đứng lại gần xem.

- Cháu nó sài² đã hơn một tháng nay. Hôm nọ đã đỡ. Mấy hôm nay vì không có tiền mua thuốc lại tăng. Ông lang bảo cháu khó qua khỏi được.

Người mẹ nói xong nấc lên một tiếng rồi nức nở khóc.

Cái cảnh đau thương ấy làm tôi rơm rớm nước mắt. Một cảm giác nghẹn ngào đưa lên chẹn lấy cổ. Tôi lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ, rồi vội vàng bước ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực. […]

- Cái kỉ niệm buồn rầu ấy cứ theo đuổi tôi mãi mãi đến tận bây giờ, rõ rệt như các việc mới xảy ra hôm qua. Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách rất dễ dàng. Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, tôi lại thấy đau đớn trong lòng như có một vết thương chưa khỏi.

(Trích Tuyển tập Thạch Lam, NXB Văn học, 2020, tr.59 - 62)

 

Chú thích:

(1) Thạch Lam, tên thật là Nguyễn Tường Lân - thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn. Tác phẩm của ông thể hiện niềm cảm thương kín đáo mà sâu sắc đối với cuộc sống của những người dân nghèo nơi phố huyện ở ngoại ô Hà Nội hay của những trí thức bình dân.

(2) sài: tên gọi chung các bệnh nội khoa lâu khỏi ở trẻ em.

 

BÀI LÀM

“Chỉ cần một số ít trang văn xuôi mà họ (các bậc thầy về truyện ngắn) có thể làm nổ tung trong tình cảm và ý nghĩ người đọc những điều rất sâu xa và da diết của con người, khiến người đọc phải nhớ mãi, suy nghĩ mãi, đọc đi đọc lại vẫn không thấy chán” (Nguyễn Minh Châu). Truyện ngắn xưa đến nay luôn là thể loại được “ưu ái” do tài năng kể chuyện bậc thầy của nhà văn, họ chỉ “cưa lấy một khúc của đời sống” (Tô Hoài) nhưng lại giúp người đọc dù trăm năm sau vẫn thấy được cả dòng chảy lịch sử. Thạch Lam là một “bậc thầy về truyện ngắn” như vậy, với năng lực biến tấu các con chữ của mình, ông đã xây dựng nên tác phẩm “Một cơn giận” mà tiêu biểu là trích đoạn thuộc phần cuối trở thành đỉnh cao trong nghệ thuật kể chuyện, là chủ đề kiểu mẫu cho các truyện ngắn đương thời. 

Nhận xét về sáng tác của Thạch Lam, Nguyễn Tuân viết: “[...] Ngày nay đọc lại Thạch Lam, vẫn thấy đầy đủ cái dư vị mà nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học”. Là ngôi sao sáng của Tự lực văn đoàn, tác phẩm của Thạch Lam thể hiện niềm cảm thương kín đáo mà sâu sắc đối với cuộc sống của những người dân nghèo nơi phố huyện ở ngoại ô Hà Nội hay của những trí thức bình dân. Bắt nguồn từ tình cảm tha thiết ấy mà nhà văn thổi hồn vào những trang truyện của mình, đem lại cho cuộc đời hơi thở mới, làn gió mới về cốt cách kể chuyện trong truyện ngắn. Ông mang đến nhiều tác phẩm, song ấn tượng nhất, day dứt nhất có lẽ là “Một cơn giận”. 

Nhà văn xây dựng chủ đề là sự vô tâm trong cơn giận và nỗi ân hận muộn màng của con người. Thạch Lam bàn về vấn đề đạo đức, tâm lý của trong bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 50 của thế kỉ XX. Ông khéo léo phơi bày hiện thực đối lập giữa người đi xe và người kéo xe, giữa người bực dọc không hiểu nguyên do và người xa lạ phải hứng chịu cơn nóng giận ấy, để từ đó tô đậm hậu quả to lớn của việc mất kiểm soát của cảm xúc cá nhân, để phần nhỏ nhen, ích kỷ ngự trị và lột tả chi tiết hoàn cảnh, số phận những con người phải chịu đựng cơn giận dữ vô cớ ấy. Ngay từ nhan đề của truyện: “Một cơn giận”, Thạch Lam đã gợi mở cho độc giả diễn biến câu chuyện chẳng mấy “yên bình”, chỉ là “một” lần bực tức nhưng lại mang lại những tác động một đời chẳng thể xóa nhòa. 

 

ĐỌC THÊM: VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC | PHÂN TÍCH TÁC PHẨM "ĐỘC TIỂU THANH KÍ"

 

Với tình huống truyện xoay quanh chuyện nhân vật chính là anh Thanh kể lại một kỉ niệm về sự giận dữ đã khiến anh “làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ”, nhà văn Thạch Lam dần dần dẫn dắt bạn đọc đi từ sự vắng lặng nơi phố thị Hà Thành bị những tên Tây chiếm đóng, cho đến sự tăm tối, khốn cùng của căn buồng chật chội, ai oán tiếng khóc cả trẻ sơ sinh đến người già. Đoạn trích là phần cao trào, mở nút sau khi nhân vật tôi “rùng mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc phạt! Anh ta phải vay cai xe để nộp phạt; nhưng ba đồng bạc nợ ấy, bao giờ anh ta trả xong, sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ, đánh đập vì thù hằn? Tôi càng nghĩ đến bao nhiêu lại càng khinh bỉ tôi bấy nhiêu” và quyết định chọn cách vơi dịu nỗi day dứt là tìm đến nhà của người phu xe Dư ấy. Sự việc bị phạt thật đã khiến anh kéo xe phải nộp phạt, không có tiền trả ngay và bị đánh một trận thừa sống thiếu chết, lết về được nhà cũng vẫn mang nợ. Nhà anh phu xe vốn nghèo nay càng nghèo hơn, vì không muốn liên lụy người nhà nên anh đi biệt tăm không dám về. Mẹ, vợ và con anh phải sống trong buồng tối chật chội, đau thương hơn là con anh mới sinh mà bị "sài" không có tiền chữa, bệnh ngày càng nặng không có dấu hiệu thuyên giảm. Lúc nhân vật "tôi" đưa "năm đồng" thì cháu bé cũng yếu ớt lắm, ông lang bảo khó mà qua khỏi được. “Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách rất dễ dàng. Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, tôi lại thấy đau đớn trong lòng như có một vết thương chưa khỏi”, không chỉ nhân vật “tôi” mà sự ấy nhắc cho tất cả con người sống trong cuộc đời này: “Sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ”, và một khi ta để mất kiểm soát thì sẽ để lại bài học ám ảnh cả đời ta. 

Cái tài của Thạch Lam là ông không đặt nặng cốt truyện mà thiên về xây dựng nhân vật, mà tiêu biểu là nắm bắt diễn biến tâm lí nhân vật với những cảm xúc mơ hồ, tinh tế, mong manh. Nhân vật Thanh có tâm trạng, hành vi khá phổ biến trong xã hội, nhất là thời đại ngày nay. Chính sự giận dữ, sự hối hận, sự day dứt là vận động cảm xúc chung của mỗi người sau khi lỡ phạm phải một sai lầm không thể dung thứ. Con người chúng ta có rất nhiều “những ngày mà tự nhiên không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu, và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì”. Chính vì vậy nên qua anh Thanh, nhà văn Thạch Lam gửi gắm tư tưởng, tình cảm của mình: ông phê phán, lên án, dằn vặt lương tâm những người không kiểm soát được thái độ, hành vi của mình, những người hay nóng giận vô cớ và cư xử nhẫn tâm, tổn thương người khác. Trong bối cảnh lịch sử đang bị thực dân Pháp bần cùng hóa, ông cũng bộc lộ niềm cảm thương, lòng xót xa vô hạn với những người dân nghèo túng, thiếu ăn thiếu mặc, thậm chí thiếu cả “hơi thở” để sống. Từ đó, nhà văn nhắc nhở chúng ta: những lúc ta cảm thấy bực dọc, khó chịu, cần có chỗ giải tỏa, con người cần có những cách khác nhau để khiến cảm xúc trở nên tích cực hơn hoặc ít nhất không để cảm xúc tiêu cực ảnh hướng đến công việc, đến những người xung quanh, phải học cách kiềm chế, tuyệt không được “đổ” lên người khác. 

“Một cơn giận” còn ấn tượng mạnh với độc giả bởi nghệ thuật trần thuật hết sức đặc sắc, độc đáo của tác giả Thạch Lam. Trước hết, truyện được kể lại theo ngôi thứ nhất, anh Thanh vừa là người kể lại câu chuyện, nhưng cũng vừa là người trực tiếp tham gia vào sự kiện và có mối liên hệ với các nhân vật khác, từ đó thúc đẩy phát triển cốt truyện. Nhân vật “tôi” là hiện thân của tác giả, Thạch Lam là ông không kể chi tiết các sự việc diễn ra mà tập trung xoáy sâu vào làm nổi bật sự vận động trong tâm trạng nhân vật tôi, mỗi lời nói, hoàn cảnh nhà anh phu xe nghèo có sức tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ đạo đức của anh, nó khiến anh càng ân hận, đau xót, khinh bỉ bản thân mình hơn. 

 

ĐỌC THÊM: VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ XÃ HỘI ĐẶT RA TRONG TÁC PHẨM VĂN HỌC | "CHÍ PHÈO" - NAM CAO

 

Về điểm nhìn, truyện kể theo ngôi thứ nhất nhưng không cố định một điểm nhìn nào là tác giả Thạch Lam sử dụng điểm nhìn linh hoạt, có sự kết hợp của nhiều loại điểm nhìn: bên ngoài, bên trong, không gian, thời gian…, phù hợp với nội dung câu chuyện kể. Đặc biệt trong phần cuối này, sở dĩ gọi là “cao trào” vì nhà văn không ngại ngần, né tránh mà nhìn thẳng vào nội tâm, bên trong “phần rắn rết” (Nguyễn Minh Châu) của nhân vật để từ đó tăng thêm tính khách quan, lôi cuốn cho lời tự sự; góp phần thể hiện cảm hứng chủ đạo của toàn tác phẩm nói chung. 

Với quan niệm của mình: “Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên…, Văn chương là một thứ khí lớn thanh cao và đắc lực làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”, lời kể của Thạch Lam như hồi chuông thức tỉnh lương tâm mỗi người, căn dặn kĩ càng chúng ta phải suy nghĩ, bình tĩnh đối nhân xử thế, hãy biết gạt bỏ sự mù quáng, ích kỉ để không gây ra những hậu quả đau lòng cho người khác. Cuối cùng, đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện còn là giọng điệu. Nhà văn nhẹ nhàng, sâu lắng trần thuật kỉ niệm không quên của Thanh, vừa chiêm nghiệm, thấm thía, vừa trăn trở, suy tư. Khép lại trang sách “cái cảnh đau thương làm nhân vật tôi tôi “rơm rớm nước mắt”, gây cho anh “một cảm giác nghẹn ngào đưa lên chẹn lấy cổ” vẫn vang vọng trong tâm trí mỗi độc giả. 

Tiến sĩ Lê Ngọc Trà quan niệm: "Văn học không phải đạo đức mà là sự ăn năn về đạo đức". Với tấm lòng muốn tâm hồn con người thanh sạch, phong phú hơn, Thạch Lam vận dụng tài năng kể chuyện đặc sắc trên tất cả khía cạnh của truyện kể: cốt truyện, ngôi kể, điểm nhìn, giọng điệu, nhân vật,.... để gửi gắm cho con người bài học triết lý đạo đức hết sức ý nghĩa. Bản thân em và mỗi bạn đọc sau khi đọc “Một cơn giận” cũng tự kiểm soát bản thân trong mọi trường hợp, tuyệt không để cảm xúc nhất thời, sự giận dữ vô cớ ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh, không để sự ích kỉ, nhỏ nhen lấn át tâm hồn, cốt cách cao đẹp của con người mình. 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học TOÀN DIỆN LỚP 11 - 2K8
Khóa học KĨ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU

Tin liên quan